Tìm hiểu về lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer

Đội đua gồm những trai tráng khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, được lựa chọn rất kỹ từ trước.
1
Lễ cúng trăng

Lễ cúng trăng vào tối ngày 14 tháng 10 (âm lịch), thời gian hành lễ trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Lễ được thực hiện tại sân của từng nhà, sân chùa hay nơi rộng rãi không bị che khuất ánh trăng. Tại đây người ta chôn hai cây tre (hoặc tầm vông) làm trụ. Phía trên buộc một cây xà ngang dài chừng 3m, trang trí hoa lá (giống như một cổng chào). Phía dưới kê bàn đặt lễ vật gồm có cốm nếp; các loại sản vật nông nghiệp có tinh bột (khoai lang, khoai môn, sắn); hoa trái (dừa, chuối, bưởi, cam…), bánh kẹo. Với lòng thành kính, mọi người ngồi chắp tay trước ban thờ, mặt hướng lên mặt trăng, một cụ già làm chủ lễ đọc lời khấn Thần Mặt Trăng, sự biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận lễ vật và ban phước lành cho họ.

Sau khi cháy hết tuần hương, người già gọi trẻ con đến ngồi xếp bằng trước ban thờ và chắp tay thành kính. Sau đó một cụ già dùng tay nhúm một ít cốm và lễ vật khác, đút vào mồm từng đứa trẻ, tay kia vỗ lưng và hỏi ước muốn của chúng năm nay là gì? Năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rành rọt thì người lớn tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; trẻ nhỏ nô đùa, múa hát dưới trăng. Nếu có khách đến vào ngày này thì họ sẽ có quà bằng cốm.

2
Thả đèn nước

Thả đèn nước là một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội , được thực hiện trong đêm ngày 14. Chiếc đèn có cấu tạo như một ngôi đền, thường được làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa văn và gắn hệ thống đèn nhiều màu sặc sỡ. Đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh người ta cắm đèn cầy và nhang, bên trong có bày các thức cúng. Mở đầu buổi lễ thả đèn nước, sư sãi và đồng bào thắp nến và nhang xung quanh đèn rồi tụng kinh để tưởng nhớ đến Đức Phật và xin lỗi Đất và Nước vì đã làm dơ bẩn, ô uế nguồn nước và đào xới đất.

3
Hội đua ghe Ngo

Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau lễ cúng trăng (15/10) là tục đua ghe ngo. Trước khi đi dự thi, cộng đồng thường làm lễ tạ thần và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi. Đội đua gồm những trai tráng khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, được lựa chọn rất kỹ từ trước. Mỗi đội có trang phục đẹp, mũ cùng màu.

Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang 1,2 m có từ 50 – 60 tay bơi, Mũi và lái của ghe đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình.

Ghe Ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ngày xưa, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần trong năm vào ngày lễ hội Oc om bóc, mỗi lần hạ thủy phải làm lễ long trọng.

Hội đua ghe ngo được tổ chức hàng năm ở thành phố Sóc Trăng, tuy nhiên năm nay lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô khu vực. Ngoài 40 đội ghe ngo hiện có của tỉnh, Sóc Trăng còn mời các đội ghe ngo của Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long tham gia với số lượng khoảng 50 đội đua. Lễ hội đua ghe Ngo sẽ diễn ra từ ngày 14 – 17/11.

Ngoài ra những hoạt động trên, Lễ hội năm nay còn có hội chợ thương mại – triển lãm; liên hoan ẩm thực 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer; trò chơi dân gian – hội thao dân tộc; triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ, v.v.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *